welcome to wasabi

Chào mừng các bạn đến với blog WASABI KOBOLD.

blog này được mở với mục đích chia sẻ kiến thức và học hỏi.
Vui nếu bạn quan tâm, mừng nếu bạn góp ý.

Mọi sao chép xin trích dẫn nguồn bài viết. Cảm ơn!

Tuesday, July 14, 2015

Chụp ảnh, khi nào không nên xóa phông

Bài này Wasabi viết cho những bạn đang tập tành vào món nhiếp ảnh, đặc biệt với các bạn mới tậu DSLR và đã biết ba yếu tố cơ bản: độ nhạy, tốc độ và độ mở.

Trước tiên Wasabi xin nhận xét, một số (nhiều) bạn ''sâu'' ảnh trên trang cá nhân, ngoài những tấm các bạn đeo ở cổ cái máy DSLR to, ống khủng hoành tráng và chuyên nghiệp là đẹp, những ảnh khác mà các bạn chụp thì nhìn chán quá đi. Một lỗi khá phổ biến ở ảnh các bạn chụp là .... không nét.

Với những người bình thường thì quan niệm rằng chụp ảnh đẹp nghĩa là phải nét, cái này cấm cãi. Với người có chút kiến thực hoặc bắt đầu mê ảnh ọt thì phải biết xác định là khi nào cần nét, và nét cái gì. Còn với nhiều bạn, thì mê mẩn với kỹ thuật làm mờ phông nền mà quên bố nó mất khi nào thực sự cần thiết làm mờ, khi nào không. Có bạn mê kỹ thuật này quá còn làm mờ luôn cả chủ thể, hehe. Để rồi một người bình thường nào đó tình cờ xem và so sánh sẽ thốt lên, ồ sao ảnh chụp máy chuyên nghiệp lại không nét bằng ảnh chụp bằng điện thoại.

Kỹ thuật làm mờ thế nào thì khỏi phải nói nữa, chắc các bạn đã dùng máy DSLR thì phải biết cả rồi: Nếu chưa biết thì Wasabi xin lỗi, bạn ko phải đối tượng bị chỉ trích ở bài này. Đối tượng nên đọc là các bạn mê độ mở, máy luôn để chế độ A (ưu tiên độ mở) và số đằng sau chữ F luôn để nhỏ nhất và chụp bất cứ cái gì cũng vẫn là độ mở đó. Wasabi từng trải qua giai đoạn này, nên Wasabi rất biết. hehe.

Mê độ mở lớn - đồng nghĩa với làm mờ phông không phải là đam mê tồi, nó là một đam mê ... đắt tiền, hehe. Tuy nhiên, có lúc bạn phải tiết chế đam mê của mình để tấm ảnh chụp ra nó đẹp hợp lý.
Ví dụ, khi chụp ảnh một nhóm người trong bàn tiệc, người ở gần người ở xa máy, nếu bạn cứ để độ mở lớn thì kết quả là chỉ một hoặc vài người là được nét, những người phía trước và sau nhóm đó bị mờ. Đó hẳn không phải điều mọi người muốn.

Một ví dụ nữa, khi các bạn phải đi rất xa có khi hàng trăm cây số để tới một thắng cảnh để chụp hình. Quang cảnh có thể là biển, có thể là cánh đồng, có thể là một resort rất đẹp... Nhưng rồi những cái phông nền đó lại bị xóa mờ quá, mờ tới mức chả nhận ra đằng sau là gì cả. Ảnh chụp lên hệt bạn đứng chụp với phông nền ở studio trong nhà vậy. Tất nhiên, với việc chụp chân dung thì như vậy chủ thể sẽ rất nổi, nhưng Wasabi thấy tiếc cho phong cảnh phía sau quá.

Ở trên là 2 ví dụ mà Wasabi thấy không nên dùng độ mở lớn. Một số trường hợp Wasabi thấy không nên xóa phông:

1. Ảnh phong cảnh thiên nhiên hay ảnh kiến trúc: Đa số ảnh phong cảnh cần độ nét sâu, tất cả sự vật trong khung hình nên rõ nét. Nếu dùng độ mở quá lớn, sự vật sẽ thiếu sắc nét, ngoài ra ảnh dễ bị thừa sáng làm mất màu và chi tiết.
2. Ảnh tập thể (hội nghị, đám cưới, đám ma...): lưu ý ảnh đám cưới khác với ảnh cưới của cô dâu chú rể nhé. Ảnh đám cưới Wasabi muốn nói là ảnh chụp tập thể mọi người trong lễ cưới. Cái ví dụ đầu mà Wasabi nói bên trên là thuộc thể loại ảnh này. Đã là ảnh tập thể thì mọi người lên ảnh cần có sự bình đẳng độ nét, không là họ tị nhau thì khổ.
3. Ảnh lưu niệm: Đó là ảnh lưu lại địa danh nào đó, một công trình kiến trúc nào đó khi đi du lịch. Ảnh này dù đang chụp người nhưng cũng nên để rõ quang cảnh hoặc ít ra phải hơi hơi rõ chứ đừng xóa tịt đi. Để khi xem, mọi người có thể nhìn rõ bạn đã đi đến đâu, quang cảnh nơi đó đẹp cỡ nào. Mục đích chính lúc này không phải là chân dung của chủ thể nữa.
4. Ảnh sinh hoạt cộng đồng: là ảnh nhiều đối tượng, để phản ánh được hoạt động của tất cả mọi người thì cũng không nên dùng độ mở lớn.
5. Ảnh chụp trẻ đang chơi đùa: cho dù chỉ chụp riêng một bé, bạn muốn bé nổi bật, thì cũng cần lưu ý khi vặn lên độ mở cao. Bởi lẽ, chỉ cần trẻ tiến lên, lùi lại một chút thôi cũng có thể ra ngoài phạm vi nét (DOF). Kết quả là bé nhà bạn nhạt nhòa cùng background.


Trong 2 bức hình trên, bạn chọn bức nào. Wasabi thấy mỗi cái có nét đẹp riêng, bức trên thì rõ cỏ cây hoa lá, hậu cảnh tươi tắn, sạch sẽ nhìn xuân quá đi. Bức 2 thì cô gái nhìn sẽ có cảm giác nổi hơn, mặc dù độ nét của cô gái ở cả 2 ảnh là như nhau.Nếu không xem tấm 1 trước thì khó có thể biết đằng sau cô gái là bãi cỏ hay cánh đồng. Lưu ý, ở cả 2 bức này là cô gái đều rất nét, và việc bắt nét rất chuẩn. Thực tế với bức thứ 2, khi mà độ mở f1.4, ở cự ly này thì khoảng nét DOF chỉ khoảng 15cm, thì rất khó được chuẩn nét như ví dụ vẽ, rất có thể cô gái cũng bị mờ luôn.
Quan niệm thế nào là đẹp rất tương đối, nó tùy vào mắt mọi người.  Tuy nhiên, một bức ảnh mờ toàn diện thì khó có thể được chấp nhận, phỏng ạ. Vì vậy trước khi chụp, các bạn cần xác định là mình muốn ra những bức ảnh đẹp hay là đang chứng minh kỹ thuật xóa phông. Wasabi nghĩ đa số bạn sắm máy với cả đống tiền thì ko phải chỉ muốn thử kỹ thuật xóa phông. Chẳng qua các bạn mê đắm kỹ thuật đó mà quên mất các yếu tố khác mà thôi.

No comments:

Post a Comment