Nhớ gì viết đấy, chưa quá già nên vẫn nhớ chút ký ức vụn để viết
Lần đầu đến Lũng Cú là tầm cuối năm 1999, khi vừa mới tốt nghiệp Đại học và đi làm với vai kỹ sư địa chất. Đây cũng là lần đầu Wasabi đứng tên chủ trì khảo sát địa chất công trình của dự án sông biên giới*. Nhiệm vụ cấp thiết phải đi ngay và luôn, sếp phân công xong còn động viên bảo công việc giai đoạn này đơn giản, chủ yếu công tác đo vẽ, cuối năm là tiền về, nhưng thòng câu đây là nhiệm vụ chính trị nên tiền không không nhiều, hehe. Mới ra trường, lý thuyết còn đang lơ mơ, còn kinh nghiệm coi như chưa có gì kể ra cũng hơi lo lắng. Nhưng rén hơn là đoạn nghe kể đi làm phải uống rượu, mà người H’Mông uống rượu bằng bát, không uống thì không vào việc. Gì chứ rượu Wasabi uống có đôi chén hạt mít đã thành tiên, uống bát thì có mà thành ma luôn đâm ra rén vô cùng.
Lũng Cú khi đó rất vắng vẻ, khu vực chân cột cờ Lũng Cú chỉ có 8 nóc nhà, dân chủ yếu tập trung ở thôn Séo Lủng, nơi mà Việt Nam Trung quốc bắn nhau đì đòm mãi mới kết thúc tuy biên giới đã phân định từ 1989. Nghe kể năm 1992 tàu còn sang đốt cháy 18 ngôi nhà ở bản Séo Lủng, ngay năm trước đó (1998) đồng bào làm nương ở khu vực giáp ranh còn bị Trung Quốc bắt giữ… nói chung khi đó tình hình phức tạp, cán bộ Wasabi đi làm phải có một chiến sĩ biên phòng đi kèm, vừa dẫn đường vừa bảo vệ kiêm luôn phiên dịch tiếng H’Mông nếu cần. Chiến sĩ biên phòng dẫn Wasabi đi là lính nghĩa vụ, trẻ măng, cũng người dân tộc nhưng nói tiếng Kinh, tất nhiên.
Trước khi xuống sông Nho Quế, ghé thăm căn nhà người H’Mông, đây là căn nhà duy nhất và ở điểm cao nhất về phía Trung Quốc, nằm trên sườn núi nhìn xuống sông Nho Quế. Từ vị trí nhà nhìn xuống dòng Nho Quế đẹp thôi rồi, Nho Quế như dải lụa xanh lơ uốn lượn dưới vực sâu. Tả vậy thôi chứ lúc đó chả có tâm hồn ngắm cảnh, chỉ lo vào nhà người H’Mông xong đứng dậy kiểu gì. Cậu lính biên phòng bảo cứ vào chơi tý nghỉ chân luôn, con gái nhà này xinh lắm, da trắng má hồng, đang học lớp 8 biết nói tiếng kinh, lính biên phòng bọn em ai cũng thích, em cũng đang cưa mà chưa được. Nghe đến đây thì chốt hạ vào thôi, say thì ngủ lại nghĩ ngợi gì nữa, hehe. Có mấy gói lương khô mang theo bỏ ra làm quà, bác chủ nhà phấn khởi lắm, đem mèn mén với rượu ra mời. Cũng định bụng không uống rượu rồi, nhưng mèn mén chắc để lâu ngày, vừa khô vừa chua, phải uống rượu vào mới trôi được. Thế là cũng làm cỡ 1/4 bát rượu mới đứng lên, may chiến sĩ biên phòng giải thích rằng phải xuống sông còn về kẻo không kịp. Thoát bữa rượu nhưng không gặp được con gái bác chủ nhà vì đang đi học nội trú ngoài huyện, kể ra cũng hơi tiếc
Việc ở sông Nho Quế thuộc về chuyên môn khỏi kể, chỉ cần biết xuống chùn chân lên mỏi gối, vậy thôi.
Xong việc ở bờ sông Nho quế về đến Uỷ Ban xã Lũng Cú cũng đã chiều muộn. Bạn lính biên phòng cũng từ biệt để lên chốt làm nhiệm vụ, dặn quay ra đồn biên phòng mà ngủ nhờ. Uỷ ban xã khi đó là một căn nhà xây gạch đơn sơ, bên trong tuềnh toàng chả có gì. Trong lúc chờ gặp lãnh đạo xã lấy xác nhận, gặp một bác nhà văn bên quân đội, cũng lặn lội từ Hà Nội lên. Bác ấy bảo lên đến đây chỉ có bộ đội biên phòng, nhà văn như tao và dân địa chất như mày. Bác nhà văn bảo cũng đã từng đến đây rồi, đi và ở lại để trải nghiệm để về còn viết truyện. Chủ tịch xã bằng tuổi mình, tên Páo hình như họ Lùng, nói tiếng Kinh tốt và biết ký xác nhận chứ không phải điểm chỉ. Gặp cán bộ xã xong thì trời cũng đã nhá nhem tối, quyết định quay ra vì không thể ở lại vì chả biết nghỉ ở đâu. Hành trình từ trung tâm xã Lũng Cú ra đồn Biên phòng Lũng Cú cũng đáng nhớ, bởi lúc đi vào là trời sáng, lại đi bằng xe U oát nên không vấn đề gì. Khi đi ra phương tiện là hai cẳng vì trong bản làm gì có xe ôm. Khi đi được một đoạn thì trời tối om, dọc đường ra không có nhà dân, chỉ khi nào nghe tiếng chó sủa văng vẳng thì biết là quanh đó có nhà nhưng cũng chả nhìn thấy nhà chỗ nào. Dò dẫm hơn chục cây số trời tối đường miền núi hẳn là kỷ niệm đáng nhớ. Đi mãi đi mãi mà chả thấy đồn biên phòng đâu, vừa mệt mỏi vừa sốt ruột. Mãi tầm hơn 9h đêm mới tới doanh trại đồn biên phòng, vào trình giấy tờ xin ngủ lại. Dù muộn nhưng anh trưởng đồn vẫn bảo lính sửa soạn cơm cho ăn, cơm bộ đội đầy đủ rau thịt, bộ đội nấu lại rất ngon nên giờ vẫn nhớ bữa cơm ấy. Anh đồn trưởng hình như cấp Uý, nghe anh kể quê tận Nam Định, một năm anh chỉ về quê nhà 2 lần, vợ con ở quê, thật đáng kính phục. Điều kiện cuộc sống vật chất ở đồn khá ổn, lợn gà rau cỏ đều do lính tự tăng gia không phải đi mua.
Sáng hôm sau từ biệt anh trưởng đồn và các chiến sĩ, may quá có xe ôm đi từ đồn ra thị trấn Đồng Văn. Thị trấn Đồng Văn khi đó cũng còn vắng vẻ, cả ngày mới có chuyến xe khách đi về Hà Giang mà đi vào sáng sớm. Đợi đến trưa, may gặp được xe tải chở hàng đi thẳng về Hà Nội, thế là về. Khi đó Wasabi thực sự chỉ muốn mau chóng xong việc để về, không hứng thú khám phá gì nên chả có kỷ niệm gì ở Đồng Văn ngoài hình ảnh cao nguyên đá khô khốc, người đồng bào đi chợ bằng ngựa, có ông vào chợ uống say còn nằm luôn giữa đường, vợ và ngựa cứ ở cạnh chờ.
*Dự án kè sông biên giới khi đó bắt đầu khởi động, Bộ Nông Phát giao cho Viện đảm nhiệm, mục đích là để phục vụ lập dự án xây dựng kè bảo vệ bờ sông những khu vực xung yếu cho toàn bộ các bờ sông biên giới phía Bắc. Phòng Địa kỹ thuật khi đó neo người, các kỹ sư nam đều phải đảm nhiệm chủ trì, mỗi người một đến một vài nơi. Wasabi mới ra trường, được phân nhiệm vụ làm ở 2 tỉnh, Lào Cai và Hà Giang. Ở Lào cai thì làm đoạn nhánh sông Nậm Thi, ở Hà Giang làm sông Nho Quế ở huyện Đồng Văn và một đoạn suối là ranh giới Việt – Trung ở cửa khẩu Thanh Thuỷ, Vị Xuyên Hà Giang. Đoạn suối cửa khẩu này có vài trăm mét nhưng ở khu vực đầy mìn, đi khảo sát cũng chỉ được đi dọc suối và cách một đoạn, có 1 chiến sĩ biên phòng dẫn đi theo lối mòn rộng chừng nửa nửa mét, hai bên là cỏ rậm rạp. Chiến sĩ dặn dò cẩn thận rằng em bước đâu anh theo đấy, không đi chệch ra ngoài dẫm phải mìn là tèo đấy.
No comments:
Post a Comment