Chuẩn mực do con người tự đặt ra. Việc ăn uống cũng vậy, mỗi nền văn hóa khác nhau thì cách thức ăn uống được coi là chuẩn mực và lịch sự cũng khác nhau. Ví như ở một số nơi, việc ăn kiểu húp sì sụp là bình thường, trong khi ở nhiều chỗ thì đó là một hành vi thiếu văn hóa.
Quan điểm của Wasabi là ... hãy làm theo cách mình thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cũng nên tuân theo một chuẩn mực nào đó, việc đó một phần để thể hiện mình là một người có văn hóa, một phần cũng là để không gây khó chịu với người xung quanh. Tỷ như ở nhà, Wasabi có thói quen ngồi xổm húp mì tôm, nhìn rất không đẹp mắt, Wasabi quen thói đó rồi, rất khó sửa. Nhưng khi vào một nhà hàng sang trọng, Wasabi sẽ không làm thế, dù ngồi tư thế khác làm Wasabi cảm thấy thiếu thoải mái.
Hôm nay Wasabi viết về cách đặt dao nĩa trong bữa ăn. Wasabi đã để ý và học nhiều từ người Đức, họ thống nhất một cách sử dụng chung, được phần đông coi là chuẩn mực, để khi nhìn vào cách đặt dao nĩa của người ăn, người khác có thể hiểu được một ý tứ nào đó.
Bởi kinh nghiệm của Wasabi được nhặt nhạnh từ nhiều người, có thể một số người có cách hơi khác bởi văn hóa riêng của họ, cũng có thể họ chưa nắm được. Cách chung đặt dao nĩa khi ăn có thể như sau:
Thứ tự dùng dao nĩa: Từ bên ngoài vào trong. Việc sắp xếp dao nĩa này sẽ do người dọn bàn đảm trách, họ sẽ sắp xếp theo thứ tự các món ăn được đưa ra. Dao nĩa cho từng món sẽ được sắp xếp theo thứ tự đó.
Thứ tự này có khác chút theo quy tắc quốc tế, đó là khi một số dao nĩa sẽ được bày phía trên đĩa ăn. Khi đó thứ tự dùng dao nĩa sẽ là từ ngoài trong rồi lên phía trên. Nếu tuân theo quy tắc này, Wasabi sẽ biết nên ăn cái gì trước cái gì, tránh việc ăn sa lát trước cả món chính.
Lưu ý: một khi dao nĩa đã sử dụng, nghĩa là đã chạm vào thức ăn thì tuyệt đối không đặt dao nĩa trực tiếp lên tấm trải bàn ăn. Ngoài ra, cũng không nên để một phần dao nĩa tựa lên bàn ăn (một đầu trên đĩa, phần tay cầm trên bàn), cả dao nĩa luôn nằm trên đĩa.
Dừng ăn tạm thời. Khi đang oánh chén một món thì dừng lại để nói chuyện, tán tỉnh đối tác, hay đi đái chẳng hạn...để tránh người phục vụ dọn đĩa và dao nĩa đi, thì nên đặt dao nĩa hướng chéo nhau trên đĩa, nĩa để úp xuống.
Muốn ăn tiếp món vừa ăn. Khi ăn hết một món, nếu thấy ngon mà muốn chén tiếp món đó thì có thể bày dao nĩa kiểu này. Tuy nhiên, quy tắc này thường được chấp nhận khi bạn ăn ở nhà, hay là khách mời tới dự bữa ăn gia đình nào đó và thông điệp này thường cũng chỉ đúng khi bạn đang ăn món chính. Nếu ở tiệc buffet, cách đặt dao nĩa kiểu này ngụ ý bạn vẫn muốn dùng tiếp đĩa ăn và dao nĩa, người phục phụ sẽ không dọn dọn đi .
Dừng ăn. Nếu không chén nữa, nghĩa là đã ăn xong, thì để dao nĩa song song trên đĩa, người phục vụ sẽ biết đường dọn dao nĩa và đĩa đi. Thường người Đức để dao nĩa song song theo hướng 5 giờ 20.
Đôi khi, việc đặt dao nĩa sau khi dừng ăn còn diễn tả người ăn có cảm thấy hài lòng hay không, nếu đặt dao và nĩa chéo nhau kiểu chữ X trên đĩa, có thể là một thông điệp rằng người ăn cảm thấy không hài lòng với món ăn.
Nguồn tham khảo http://www.tafelkultur.eu/?page_id=291
No comments:
Post a Comment