welcome to wasabi

Chào mừng các bạn đến với blog WASABI KOBOLD.

blog này được mở với mục đích chia sẻ kiến thức và học hỏi.
Vui nếu bạn quan tâm, mừng nếu bạn góp ý.

Mọi sao chép xin trích dẫn nguồn bài viết. Cảm ơn!

Sunday, January 14, 2024

RQD và chất lượng khối đá - có liên quan hay không?

 

Trong một bài mà Wasabi đã đăng từ 2014 về chỉ số chất lượng khối đá RQD (Rock quality designation) có trình bày về cách phân loại chất lượng khối đá theo Deer (1963).  Nay (năm 2024), sau 10 năm, lại thấy bản dự thảo tiêu chuẩn TCVN 5746:2024 đưa cách phân loại đó vào.
 
Cụ thể tại Bảng D.14 của bản tiêu chuẩn dự thảo TCVN 5746:2024, chỉ số RQD được dùng để phân loại cả chất lượng khối đá và mức độ nứt nẻ của khối đá. 
 
Cơ mà theo Wasabi là không nên như vậy.
 
Theo bản dự thảo tiêu chuẩn thì bên cạnh việc dùng RQD để đánh giá mức độ nứt nẻ như các kỹ sư địa chất vẫn làm, TCVN đang cố gắng tận dụng thông số RQD để phân loại khối đá như theo đề xuất ông Deer - tác giả của RQD, chia ra 5 cấp chất lượng của khối đá khác nhau (từ rất xấu đến rất tốt). 
 
Việc phân chia chất lượng này xem ra khá thô thiển và cần thận trọng khi sử dụng. 
 
Chất lượng khối đá (rock mass quality) phụ thuộc và rất nhiều yếu tố mà trong đó RQD chỉ là một thông số. Chất lượng khối đá do tính chất của vật liệu đá nguyên vẹn và đặc điểm hệ thống nứt nẻ (bao gồm đặc điểm các khe nứt, mật độ và dạng phân bố các khe nứt...) quyết định, trong khi RQD chỉ là một chỉ số đánh giá sơ bộ mức độ nứt nẻ của khối đá. Bản thân ông Deer ngay từ khi đề xuất phương pháp phân loại khối đá theo RQD cũng đã công nhận điều này. Và sau mấy chục năm sử dụng ông ấy khuyên rằng thì là mà chỉ nên sử dụng RQD là một tham số, và kiến nghị dùng Q hay RMR để đánh giá. Theo Deer, chỉ tận dụng RQD để: xác định các đới đá nứt nẻ mạnh cần xem xét xử lý và tận dụng các kinh nghiệm về RQD để định hướng phục vụ thiết kế sơ bộ.
 
Vậy nên, tốt nhất bỏ cái phân loại khối đá theo RQD ra khỏi tiêu chuẩn trước khi nó có hiệu lực.

No comments:

Post a Comment